1. Nguyễn Quang Diêu sanh năm Canh Thìn (1880), tự là Tử Ngọc, hiệu Cảnh Sơn (hay Nam Sơn), người làng Tân Thuận, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
2. Ông nội và cha ông là những người có tiếng về Nho học, nên ngay từ nhỏ ông được chăm sóc giáo dục chu đáo.Với bản tính điềm đạm, trung thực và nhứt là thông minh; năm lên 6 tuổi ông bắt đầu học chữ Nho, năm 10 tuổi học chữ quốc ngữ. Năm 15 tuổi, ông lại học chữ Hán với cụ Tú Tịnh, một thầy đồ người Bắc nổi tiếng hay chữ trong vùng, sau đó đến Phú Thuận (Châu Đốc, nay thuộc Hồng Ngự-Đồng Tháp) tiếp tục học với cụ Tú Trần Hữu Thường, một nhà nho yêu nước có nhiều nhiệt tâm. Chính cụ Tú Thường là người làm cho Nguyễn Quang Diêu sớm thấy được cái nhục mất nước. Do đó, mặc dù tuổi còn nhỏ lại đang phải học hành, nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi tình hình phong trào yêu nước kháng Pháp trong cả nước. Lúc bấy giờ, phong trào Đông kinh nghĩa thục lan rộng ở đất Bắc, phong trào Đông Du gây tiếng vang khắp Bắc Trung Nam. Năm 1907, ông tham gia phong trào với tư cách một cổ động viên, vận động thanh niên sang Nhựt du học, quyên góp ủng hộ phong trào. Ông góp phần đưa vùng Cao Lãnh trở thành một trong những nơi có phong trào Đông Du mạnh ở miền Nam.
3. Năm 1908, phong trào tan rã, du học sinh bị trục xuất về nước, ông bị giam cầm một thời gian mới được trả tự do, song vẫn phải ở trong tình trạng bị an trí. Ông tìm cách liên hệ với Đặng Thúc Liêng ở Sa Đéc, Nguyễn Thần Hiến ở Cần Thơ, Bùi Chí Nhuận ở Tân An, Cả Trận ở Mỹ Tho…những cựu du học sinh Đông Du bị truc xuất như Lê Văn Đáng ở Cao Lãnh, các yếu nhân của phong trào Đông kinh nghĩa thục đang bị an trí ở Sa Đéc như Võ Hoành, Dương Bá Trạc… để lại xây dựng phong trào ở địa phương chờ đợi thời cơ. Chùa Linh Sơn (Cao Lãnh) là nơi ông thường cùng các bạn đồng chí trong vùng hội họp bàn định kế hoạch vận động, phát triển phong trào.
5. Năm cách mạng Tân Hợi Trung Quốc thành công (1911), nhà ái quốc Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang Phục hội ở Trung quốc (tháng 5-1912), chủ trương khác với Duy Tân hội trước đây, nhằm xây một nứơc Việt Nam Dân quốc cộng hoà. Hội cử người về nước móc nối với cơ sở trong nước. Cường Để về Nam kỳ, Nguyễn Quang Diêu tiếp xúc với Cường Để tại một địa điểm bí mật ở Long Xuyên (An Giang) để nhận nhiệm vụ. Tháng 5 năm 1913, ông cầm đầu một phái đoàn gồm có Đinh Hữu Thuật và 10 đồng chí khác với hai thiếu niên sang Hồng Kông hoạt động. Vưà đến nơi, tất cả đều bị thực dân Pháp bắt giải về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), rồi đày sang Guyane (Nam Mỹ). Năm 1917, ông vượt ngục trốn sang đảo Trinidad (thuộc địa Anh) giả dạng làm người Trung Quốc. Năm 1920, Nguyển Quang Diêu sang Washington (Mỹ) rồi thẳng đường về Trung Quốc, Hồng Kông tìm cách bắt liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam ở hải ngoại.
6. Suốt gần 6 năm sống và họat động ở Trung Quốc, ông theo con đường cách mạng tư sản do Phan Bội Châu vạch ra, từ Việt Nam Quang phục hội đến Việt Nam Quốc Dân đảng (thành lập năm 1924). Trong thời gian này, Nguyễn Quang Diêu chẳng những thấy rõ những hạn chế của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ ở Trung Quốc mà con thấu hiểu được tình hình cách mạng nước này kể từ khi Đảng Cộng sản ra đời năm 1921. Tháng 5 năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt giải về nước, thực lực cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc lâm vào tình trạng khủng hoảng lãnh đạo.
7. Trong tình hình đó, cuối năm 1926, ông bí mật về hoạt động trong nước. Sau một thời gian ở Sài gòn, ông về tới Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) vào đầu năm 1927, được sự hỗ trợ nhiệt tình của hai ông Võ Hoành và Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Từ đây, với tư cách người tù khổ sai vượt ngục, ông vẫn hăng say họat động, ông phải đổi tên nhiều lần (Nam Xương, Trần Văn Vẹn…) và cải trang để đi lại hoạt động. Các tỉnh miền Tây, nhứt là vùng Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Đốc…là những địa phương ông thường lui tới tuyên truyền giáo dục quần chúng và tạo được nhiều cơ sở cách mạng. Năm 1930, được một số hương chức làng Vĩnh Hòa (Tân Châu) giúp đỡ, ông mở trường dạy học ở đây. Đa số học trò của ông đều tham gia cách mạng, trong đó có nhiều người trở thành đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp .
8. Ngày 15-5 năm Canh Tý (1936), cụ qua đời (bệnh thương hàn) trong sự im lặng của một tội phạm chánh trị vượt ngục, được đồng bào, đồng chí và môn sinh an táng tại làng Vĩnh Hòa (năm 1989 được cải táng ở quê nhà). Một đồng chí bí mật có câu đối điếu ông :
“Ngót hai chục năm dư, hồ hải từng Âu, Á, Mỹ;
Vừa năm mươi tuổi lẻ, dạ đài còn tạc Hiếu, Trung, Cang”.
9. Trong những năm cuối đời, ông để lại một lượng sáng tác chiếm một phần không nhỏ trong văn học yêu nước cận đại Việt Nam, đánh dấu bước ngoặc chuyển hướng trong tư tưởng cách mạng nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Công lao lớn của ông là giác ngộ quần chúng nông dân, nhứt là thanh niên đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính chuyển sang chủ nghĩa yêu nước có xu hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ ĐỒNG THÁP